Nguồn gốc, ý nghĩa ngày lễ Vu Lan báo hiếu

Trong tháng 7 âm lịch, người Việt có một ngày lễ mà giới tăng ni Phật tử thường gọi là ngày lễ Vu Lan. Đây là một đại lễ báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất – một tập tục đáng quý, đáng trọng của người Việt, thể hiện tấm lòng “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Rằm tháng 7 Âm lịch cũng là ngày xá tội vong nhân mà dân gian gọi nôm na là ngày cúng chúng sinh. Hai ngày lễ này xuất phát từ tôn giáo, nhưng đã thành ngày lễ của dân gian từ lâu nay. Người Việt xưa làm lễ nhưng đôi khi không biết ý nghĩa của lễ, do điều kiện ngày trước thông tin lạc hậu, chỉ là làm theo những gì thế hệ trước để lại mà thôi.

Ý nghĩa và sự tích lễ Vu Lan

Xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) – cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước. Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẫu thân ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ.

Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi, tránh không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng thức ăn đã hóa thành lửa đỏ. Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó. Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời.

Sự tích ngày xá tội vong nhân

Sự tích lễ cúng cô hồn như sau: Cứ theo “Phật Thuyết Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Đà La Ni Kinh” mà suy thì việc cúng cô hồn có liên quan đến câu chuyện giữa ông A Nan Đà, thường gọi tắt là A Nan, với một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu) cũng gọi là quỷ mặt cháy (diệm nhiên).

Có một buổi tối, A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào. Quỷ cho biết rằng ba ngày sau A Nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa mặt cháy như nó. A Nan sợ quá, bèn nhờ quỷ bày cho phương cách tránh khỏi khổ đồ. Quỷ đói nói: Ngày mai ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, lại vì tôi mà cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ mà tôi đây cũng sẽ được sanh về cõi trên. Mâm cúng chúng sinh A Nan đem chuyện bạch với Đức Phật. Phật bèn đặt cho bài chú gọi Là Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Đà La Ni, đem tụng trong lễ cúng để được thêm phước. Phật tử Trung Hoa gọi lễ cúng này là Phóng diệm khẩu, tức là cúng để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa, nhưng dân gian thì hiểu rộng ra và trại đi thành cúng cô hồn, tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ không nơi nương tựa vì không có ai là thân nhân trên trần gian cúng bái. Vì tục cúng cô hồn bắt nguồn từ sự tích này, cho nên ngày nay người ta vẫn còn nói cúng cô hồn là Phóng diệm khẩu. Có khi còn nói tắt thành Diệm khẩu nữa. Diệm khẩu, từ cái nghĩa gốc là (quỷ) miệng lửa, nay lại có nghĩa là cúng cô hồn. Điều này góp phần xác nhận nguồn gốc của lễ cúng cô hồn mà chúng tôi đã trình bày trên đây.

Phóng diệm khẩu mà nghĩa gốc là thả quỷ miệng lửa, về sau lại được hiểu rộng thêm một lần nữa thành tha tội cho tất cả những người chết. Vì vậy, ngày nay mới có câu: Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân.

Ở các làng quê miền Bắc xưa, do không được biết nhiều về ý nghĩa tôn giáo của ngày này, nên bà con chỉ tổ chức cúng cô hồn. Thường là nấu một nồi cháo rồi thả vào những chiếc lá, có thể là lá đa, lá sen rồi đặt trong đêm rằm để cô hồn không nơi nương tựa về ăn. Tuy nói là nấu cháo bố thí, nhưng các gia đình cũng nấu cẩn thận chứ không phải qua quýt cho xong, với tâm lý là thương người như thế thương thân. Người ta bảo, cúng cho cô hồn là để họ đỡ đói, sau này mình có làm sao thì còn có người giúp mình. Ấy là nét đẹp trong triết lý sống của người Việt cổ, mà hôm nay hình như đã có phần mai một.

Lại có một số người Việt Nam tin rằng Lễ Xá tội vong nhân bắt nguồn từ công việc đồng áng của người nông dân trước kia. Hằng năm, cứ đến tháng 6-7 âm lịch là vào vụ thu hoạch mùa màng. Để công việc được may mắn, không gặp trắc trở, người dân thường cầu xin thần linh, thổ địa… bắt giam những yêu ma, oan hồn lại cho khỏi quấy nhiễu. Đến đúng ngày 15/7, mọi việc phải được hoàn tất, đó cũng là lúc ông thần tha ma, chủ nhà tha thợ cấy, mở cửa ngục xá tội vong nhân. Và cũng vào ngày này, người ta thường làm một lễ cúng tạ ơn các thần linh, và một mâm tưởng nhớ ông bà tổ tiên để cầu nguyện cho các vong hồn siêu thoát và cầu bình an cho gia đình. Vì vậy nên đa phần các gia đình thường cúng cơm mặn, nhưng cúng chay tốt hơn. Có nhiều cách cúng khác nhau, nhưng vấn đề quan trọng nhất là sự thành tâm chứ không phải ở chuyện mâm cao cỗ đầy.

Hai ngày lễ này, một là để cầu siêu cho cha mẹ nhiều đời được siêu thoát, một là để bố thí thức ăn cho những vong hồn chưa được siêu thoát, những vong hồn không nơi nương tựa. Bỏ qua ý nghĩa tôn giáo và huyền thoại của hai ngày lễ này, điều còn lại chính là cổ nhân khuyên ta nên giữ đạo hiếu với cha mẹ và có tấm lòng giúp đỡ những người xung quanh.

Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng


Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ :

CÔNG TY TNHH MTV TỔ CHỨC SỰ KIỆN ANH TUẤN PHÁT

Địa Chỉ : Số 47, Đường DA1-1, Kp 3, P.Mỹ Phước, TX.Bến Cát, Bình Dương

Hotline : 0966.159.159 – 0933.545.186

Email : vp.anhtuanphat@gmail.com

Website : sukiendongnai.vn or sukienbinhphuoc.com

Công Ty Tổ Chức Sự Kiện Anh Tuấn Phát Hân Hạnh Được Đồng Hành Cùng Quý Khách !

Tin tức liên quan