ý nghĩa Bông Hồng Cái Áo ngày lễ Vu Lan

Nghi thức “Bông hồng cài áo” được xem là một phần nghi thức quan trọng, trở thành nét văn hóa truyền thống có ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong ngày lễ Vu Lan.

Vu Lan báo hiếu là lễ hội văn hóa tâm linh có từ lâu đời trong truyền thống của Phật giáo được tổ chức vào tháng 7 âm lịch (15/7) hàng năm. Mùa lễ Vu Lan là dịp nhắc nhở mỗi người con trong gia đình phải hiếu thuận với cha mẹ, đong đầy thêm tình cảm hiếu đễ, lòng biết ơn tổ tiên, cũng như những đóng góp to lớn của các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước.

Trong dịp lễ này có một nghi thức đặc biệt, thể hiện lòng thành kính, tưởng nhớ công ơn dưỡng dục của đấng sinh thành, đó là nghi thức “Bông hồng cài áo”. Bạn sẽ không lạ khi chứng kiến những hình ảnh đầy xúc động : dù già hay trẻ, trai hay gái dự lễ Vu Lan đều thành kính và ngập trong cảm xúc khi đón nhận một bông hoa hồng cài trang trọng lên ngực áo.

Nghi thức cài bông hồng lên áo được xem là một lễ hội đối với người Việt nói chung và giới Tăng Ni, Phật tử nói riêng, thường được tổ chức trong ngày lễ Vu Lan ở các ngôi chùa. Tuy nhiên, buổi lễ này không chỉ dành cho Phật tử mà tất cả mọi người không theo đạo vẫn có thể tham dự.

Nghi thức “Bông hồng cài áo” xuất phát từ ý tưởng của GS. TS. Ngô Đức Thịnh – Giám đốc TT Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam. Ý tưởng này được lấy từ áng văn về Mẹ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, viết vào năm 1960.

Trong một chuyến công tác tại Nhật Bản, Thiền sư thấy lạ khi người Nhật thành kính gài tặng ông một bông hoa trắng lên ngực áo. Sau khi tìm hiểu và biết được ý nghĩa cao đẹp của hành động này, ông đã chọn bông hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu Lan báo hiếu của nhà Phật và viết ấn phẩm “Bông hồng cài áo” vào năm 1962.

Bông hoa hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Lòng thành kính, tưởng nhớ công ơn dưỡng dục của bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ Hiếu mà con cái gửi đến những người làm cha, làm mẹ.

Với ý nghĩa đó, mỗi mùa lễ Vu Lan, nhiều người Việt đều cài một bông hoa hồng trên áo. Bông hồng màu đỏ cho những ai may mắn còn cha mẹ trên đời, bông hồng màu hồng cho những người còn mẹ mất cha và bông hồng trắng cho những người kém may mắn khi không còn cha và mẹ.

Cũng từ đó, nghi thức “Bông hồng cài áo” trong ngày Vu Lan được phổ thông hóa và trở thành ngày lễ trong Phật giáo, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người Việt, hữu hiệu trong việc giáo dục mỗi con người về lòng hiếu thảo và tình người.

Tại sao những tu sĩ lại cài hoa hồng vàng trong dịp lễ Vu Lan ?


Đối với người xuất gia, họ phải từ bỏ đời sống thế tục để sống cuộc sống thanh tịnh. Do đó, các nhà sư mượn thân tứ đại do cha mẹ sinh ra để “trên cầu giải thoát, dưới cứu độ chúng sinh” nhằm báo hiếu cho cha mẹ hiện đời và cha mẹ ở nhiều đời khác.

Do đó, thay vì cài bông hồng đỏ/trắng thì người tu sĩ lại cài những bông hồng vàng thể hiện lòng biết ơn cha mẹ rộng hơn, lớn hơn, cao cả hơn.

Đặc biệt, theo quan niệm của đạo Phật, màu vàng là màu của sự giải thoát, màu của Đất. Và đất là biểu tượng của cuộc sống nhẫn nhục, cưu mang tất cả, chấp nhận tất cả, từ bi hỷ xả. Đặc biệt, màu vàng còn là màu tượng trưng cho sự buông bỏ, không chấp nhất và sự giải thoát.

Với tất cả ý nghĩa này, các tu sĩ chọn hoa hồng màu vàng để nói lên ý nghĩa của mùa Vu Lan là sự giải thoát.


Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ :

CÔNG TY TNHH MTV TỔ CHỨC SỰ KIỆN ANH TUẤN PHÁT

Địa Chỉ : Số 47, Đường DA1-1, Kp 3, P.Mỹ Phước, TX.Bến Cát, Bình Dương

Hotline : 0966.159.159 – 0933.545.186

Email : vp.anhtuanphat@gmail.com

Website : sukiendongnai.vn or sukienbinhphuoc.com

Công Ty Tổ Chức Sự Kiện Anh Tuấn Phát Hân Hạnh Được Đồng Hành Cùng Quý Khách !

Tin tức liên quan